Home / TIN TỨC / THUẾ / TỔNG CỤC THUẾ HƯỚNG DẪN QUYẾT TOÁN THUẾ TNDN NĂM 2018

TỔNG CỤC THUẾ HƯỚNG DẪN QUYẾT TOÁN THUẾ TNDN NĂM 2018

Hướng dẫn Quyết toán thuế TNDN 2018 từ Tổng Cục Thuế

(TBTCO) – Để doanh nghiệp biết được những thủ tục cần thiết khi thực hiện quyết toán thuế, cũng như những quy định liên quan để đảm bảo chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tránh sai sót, đảm bảo quyền lợi của DN khi quyết toán thuế,
Lưu ý một số quy định khi quyết toán thuế TNDN năm 2018.
Hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Hồ sơ quyết toán thuế TNDN bao gồm: Tờ khai quyết toán thuế TNDN theo mẫu số 03/TNDN (ban hành kèm Thông tư 151/2014/TT-BTC).
Báo cáo tài chính năm hoặc báo cáo tài chính đến thời điểm có quyết định về việc DN thực hiện chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình DN, giải thể, chấm dứt hoạt động.
Một hoặc một số phụ lục kèm theo tờ khai (tùy theo thực tế phát sinh của người nộp thuế): Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh theo mẫu số 03-1A/TNDN (dành cho người nộp thuế thuộc các ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ), mẫu số 03-1B/TNDN (dành cho người nộp thuế thuộc các ngân hàng, tín dụng), mẫu số 03-1C/TNDN (dành cho người nộp thuế là các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán) ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
Các phụ lục về ưu đãi thuế TNDN bao gồm
– Mẫu số 03-3A/TNDN: Thuế TNDN được ưu đãi đối với cơ sở kinh doanh thành lập mới từ dự án đầu tư, cơ sở kinh doanh di chuyển địa điểm, dự án đầu tư mới và dự án đầu tư đặc biệt quan trọng (ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC).
– Mẫu số 03-3B/TNDN: Thuế TNDN được ưu đãi đối với cơ sở kinh doanh đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất (dự án đầu tư mở rộng), ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
– Mẫu số 03-3C/TNDN: Thuế TNDN được ưu đãi đối với DN sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số hoặc DN hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng nhiều lao động nữ (ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC).
Phụ lục chuyển lỗ theo mẫu số 03-2A/TNDN (chuyển lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh), mẫu số 03-2B/TNDN (chuyển lỗ từ chuyển quyền sử dụng đất và quyền thuê đất) ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
Phụ lục 03-4/TNDN: Thuế TNDN đã nộp ở nước ngoài được trừ trong kỳ tính thuế. (ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC)
Phụ lục 03-5/TNDN: Thuế TNDN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản (ban hành kèm theo Thông tư số 151/2014/TT-BTC).
Các mẫu số 01, 02, 03, 04 (nếu có): Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết (ban hành kèm theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP). Chi tiết lập các mẫu 01, 02, 03, 04 thực hiện theo hướng dẫn tại các Phụ lục I, II, III Thông tư số 47/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 20/2017/NĐ-CP về giao dịch liên kết.
Phụ lục 03-8/TNDN: Tính nộp thuế TNDN của DN có các đơn vị sản xuất hạch toán phụ thuộc ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa phương nơi đóng trụ sở chính (nếu có) (ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC).
Phụ lục số 02-1/TĐ-TNDN: Phân bổ số thuế TNDN phải nộp của cơ sở sản xuất thủy điện cho các địa phương (ban hành kèm theo Thông tư 151/2014/TT-BTC, ngày 10/10/2014).
Phụ lục số 02: Báo cáo trích lập, điều chuyển và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, ban hành theo Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/06/2016, thay thế mẫu số 03-6/TNDN (ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC).
Trường hợp DN có dự án đầu tư nước ngoài, ngoài các hồ sơ nêu trên, DN phải bổ sung các hồ sơ, tài liệu theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thuế TNDN.
Lưu ý, đối với những DN có giao dịch liên kết, khi nộp báo cáo quyết toán thuế TNDN, ngoài những biểu mẫu phải nộp theo quy định tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC, Thông tư số 151/2014/TT-BTC, DN phải gửi kèm các biểu mẫu quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết.
Lưu ý về doanh thu
Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định như sau: Đối với hoạt động bán hàng hóa, là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.
Đối với hoạt động cung ứng dịch vụ, là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc hoàn thành từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua trừ trường hợp nêu tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư 78/2014/TT-BTC, Khoản 1 Điều 6 Thông tư 119/2014/TT-BTC.
Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong một số trường hợp xác định như sau: Đối với hàng hóa, dịch vụ bán theo phương thức trả góp, trả chậm là tiền bán hàng hóa, dịch vụ trả tiền 1 lần, không bao gồm tiền lãi trả góp, tiền lãi trả chậm.
Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ (không bao gồm hàng hóa, dịch vụ sử dụng để tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh của DN) được xác định theo giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương trên thị trường tại thời điểm trao đổi (Khoản 1 Điều 6 Thông tư 119/2014/TT-BTC).
Đối với hoạt động cho thuê tài sản, là số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê. Trường hợp bên thuê trả tiền trước cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được phân bổ cho số năm trả tiền trước hoặc được xác định theo doanh thu trả tiền một lần.
Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt là giá trị công trình, giá trị hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng công trình xây dựng, lắp đặt nghiệm thu.
Về chi phí được trừ
Ngoài một số sửa đổi tại Thông tư số 25/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 146/2017/NĐ-CP về việc bổ sung thêm một số quy định về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, các nội dung còn lại không có gì thay đổi so với năm 2017.
Cụ thể như sau: Về nguyên tắc, DN được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện như, khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khoản chi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của DN theo quy định của pháp luật.
Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Điều chỉnh điều kiện xác định khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế về chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với khoản chi có hoá đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (Thông tư số 173/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khổ thứ nhất khoản 3 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC) có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2016. Theo đó, bỏ quy định “chứng từ thanh toán qua ngân hàng được chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán phải là tài khoản đã đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế”./.
Thời Báo Tài Chính – Đài Trang – Nhật Minh